Dẫu thế nào mặc lòng, đã là lý tưởng, lại là lý tưởng nhân văn, đã là hy vọng, lại là hy vọng cao đẹp, thì chẳng có cớ gì mà không nghiêng mình tôn trọng cả.
“Trên đời này, chỉ có một điều, ấy là yêu thương nhau”
Chính câu này, tình cờ bắt gặp trong một đề văn nghị luận, mới là nguồn động lực lớn nhất để tôi tìm đọc tác phẩm “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo – mặc dù tôi biết tới tác phẩm này trước nhất là từ trích đoạn về nhân vật Gavroche trong chương trình Ngữ văn lớp 4 hay lớp 5 gì đó- cũng đã quá lâu rồi để có thể nhớ chi tiết về việc này, và sau nữa là trích đoạn về Javert và Jean Valjean trong chương trình trung học phổ thông.
Có thể nói một cách hơi quá rằng, việc tôi nghiền ngầm tác phẩm, để tìm ra ý nghĩa sau rốt cho câu văn trên, cũng từa tựa như việc chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đi khắp năm châu bốn bể để tìm cho ra cái bí ẩn đằng sau ba chữ “tự do, bình đẳng, bác ái” mà thực dân Pháp đem tới An Nam thế kỉ XIX, XX vậy. Tức là, có tò mò, có hồ nghi, có hứng khởi, và sôi sục nhiệt huyết, nhưng, đặc biệt là hồ nghi. Ca ngợi tình yêu thương thì có nhiều, nhưng nếu coi là duy nhất thì thú thực, ban đầu tôi cũng thấy có hơi khiên cưỡng. Sơ khởi việc đến với tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn học thế giới thế kỉ XIX là như vậy.
Điểm sơ qua thì đây là một cuốn tiểu thuyết đồ sộ, bối cảnh và thời gian trong tác phẩm trải dài hơn hai mươi năm đầu thế kỉ XIX, với hành trình của rất nhiều con người, xoay quanh một nhân vật: Jean Valjean. Tên tác phẩm, trong tiếng Pháp là “Les Misérables”, dịch sang tiếng Việt là “Những người khốn khổ”- quả thực là một cái tên phù hợp. Những nhân vật của tác phẩm, dường như tất cả đều khốn khổ, không theo cách này thì cách khác, và câu chuyện của họ, tái hiện lại bộ mặt nước Pháp những năm đầu cầm quyền của Napoléon Bonaparte. Phải thừa nhận, thông qua tác phẩm, Hugo đã tự khẳng định mình là một con người tri thức uyên thâm- về mọi thứ, của Paris, và của nước Pháp, nên nhớ ông viết tác phẩm này khi đang lưu vong tại Bỉ, vì một số sự kiện chính trị mà ông có liên quan, và thai nghén tác phẩm trong cả một thập kỉ- về một thời kì đã xảy ra cách lúc ông viết cả trên dưới năm mươi năm.
Tác giả của tác phẩm, nhà văn Victor Hugo, đã tự đánh giá tiểu thuyết này, như sau : “tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình.” Sự thực, điều đó đã được chứng minh qua sự thành công của tác phẩm. Tất nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt, và “Những người khốn khổ nhận” có về những chỉ trích cũng là điều dễ hiểu, ngoài sự ca tụng của số đông người đọc. Tùy vào thế giới quan của từng người mà sự đánh giá có phần giống hoặc khác nhau: Anh em nhà Goncourt cho rằng tác phẩm quá hời hợt và giả dối, Gustave Flaubert thì không tìm ra chân lý, và tầm quan trọng của “Những người khốn khổ”, Baudelaire thì đánh giá đây là tiểu thuyết dở, mặc dù thừa nhận tài năng của Hugo,…
Đối với riêng bản thân tôi, tôi thấy rằng ý kiến của anh em nhà Goncourt là quá tàn nhẫn và phũ phàng và chưa đánh giá được đúng mức tinh thần của Hugo, Flaubert thì lại quá khắt khe, còn Baudelaire- nhận định của ông chỉ càng chứng minh ông là một nhà thơ lập dị. Quan điểm cá nhân, đúng với trào lưu mà Hugo tham gia, tác phẩm này là một tác phẩm mang màu sắc hiện thực lãng mạn. Ông tái hiện một thế giới nhiều bất hạnh, khổ đau, đồng thời mong muốn cải tạo xã hội qua những con người mang tính hình tượng về lòng yêu thương. Tác phẩm, là lý tưởng của ông. Ông không thoát ly hẳn với hiện thực, nhưng không nêu được giải pháp để giải quyết các vấn đề của xã hội. Ông nửa đồng tình, nửa phản đối phong trào bạo động của Cách mạng. Cái mớ bòng bong đó, ông chỉ còn cách chuyển trách nhiệm qua “tình yêu thương”. Tác phẩm, thực sự mà nói, có thể coi là một bản anh hùng ca về tinh thần nhân đạo: Valjean ăn cắp bánh mỳ cho cháu, đổi lấy 19 năm tù, linh mục Myriel bị Vanjean lấy cắp đồ, không những không truy cứu, mà lấy tình thương cảm hóa Vanjean, Vanjean chấp nhận trở lại là chính mình, đồng nghĩa với việc bị Javert bắt lại (sau khi thay đổi danh tính, làm lại một cuộc đời mới) để cứu Fantine, Vanjean tha chết cho Javert khi hắn bị nhóm Cách mạng bắt, Esponie hứng một viên đạn, chấp nhận chết thay cho Marius, Javert sau cùng lại tha cho Vanjean, đồng thời tự gieo mình xuống lòng sông Seine,…và đặc biệt, chính là lời dặn dò sau cùng của Vanjean với Marius và Cossette. Nhưng tác phẩm lại không thể là cứu cánh cho một hiện thực đầy tàn khốc-mà chính tác phẩm cũng phần nào phơi bày.
Có những cuốn sách làm con người ta say mê, cầm lên rồi khó lòng bỏ xuống, nhưng lại cũng có những cuốn sách, người ta phải mất rất nhiều lần cầm đến mới đọc xong. Những người khốn khổ, có lẽ là thuộc loại ở giữa, tức là có những đoạn người đọc sẽ say sưa, nhưng cũng có những đoạn làm tôi phải bỏ dở. Tất nhiên, cuối cùng thì tôi cũng đã đọc xong, thấy hay có, thấy dở có, thương cảm có, ấn tượng có, tự rút ra vài điều nho nhỏ với chính mình cũng có.
Trở lại với ví von đầu bài viết, tác phẩm này không làm thay đổi đánh giá ban đầu của tôi, và lịch sử đã chứng minh, tình yêu thương không phải là tất cả. Có chăng, đó là lý tưởng, là hoài bão của Hugo, và cũng của rất nhiều con người khác mà thôi. Dẫu thế nào mặc lòng, đã là lý tưởng, lại là lý tưởng nhân văn, đã là hy vọng, lại là hy vọng cao đẹp, thì chẳng có cớ gì mà không nghiêng mình tôn trọng cả.
Chợt nhớ, năm 14 tuổi, Hugo đã từng nói hoài bão của mình “ Tôi muốn trở thành Chateaubriand hoặc không gì cả” – chí ít, với tác phẩm này, ông đã đi đến cùng con đường mà mình đã lựa chọn. Chừng đó, có lẽ đã đủ rồi…
Đăng nhận xét