Ume.vn

0%


Ngày toàn thắng

 ume.vn - Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

***

Đó là một vùng quê của một tỉnh ở phía bắc nước ta, cũng giống như nhiều những vùng quê khác trong những năm tháng đất nước trong chiến tranh mưa bom bão đạn. Thì gần như trong làng trong xóm chỉ còn lại toàn là đàn bà con nít mà thôi, còn bao nhiêu đàn ông thanh niên trai tráng đều lên đường theo tiếng gọi của non song. Làng Thủy cũng vậy, đó là một ngôi làng chuyên sống bằng nghề làm gốm và tất cả người dân trong làng đều sinh sống và làm việc bằng cái nghề truyền thống và được truyền đời từ rất nhiều năm trước. Mà chị Nhành là một trong những phụ nữ nổi tiếng là khéo tay và đã gắn bó với công việc nhiều năm trời dù chị còn rất trẻ.

Năm đó, khi có người ngỏ lời cầu hôn chị thì chị Nhành chỉ mới tròn mười tám.

Anh Kháng chồng chị là một thanh niên trong làng và hơn chị hai tuổi, nhưng anh không tham gia vào công việc làm gốm như mọi người mà anh lại chuyên về trồng trọt và chăn nuôi. Ngày đó có mấy ai được học lên cao đâu, như chị Nhành chỉ mới học hết lớp bảy còn anh Kháng thì có nhiều hơn là học hết lớp mười hai. Rồi anh Kháng yêu chị Nhành và không bao lâu sau đó là đám cưới anh chị được diễn ra.

Mọi người trong làng đều biết gia đình anh Kháng nghèo, vì anh đã mất hết ba mẹ và đang sống cùng người dì ruột, còn gia đình chị Nhành thì còn đủ ba mẹ và có khấm khá hơn vì ngày đó chị Nhành là thu nhập chính trong gia đình. Rồi khi anh chị cưới nhau thì được ba mẹ chị cho mấy sào đất để cất nhà, cuối cùng anh chị cũng có một tổ ấm tạm gọi là tươm tất cho riêng mình.



Chiến tranh mỗi ngày mỗi bùng nổ lớn hơn, biết bao người con của đất nước đã xung phong lên đường bảo vệ đất nước, họ ra đi với một niềm tin sắt đá là sẽ có ngày cả đất nước rợp bóng cờ hoa cho hạnh phúc và bình yên của bao người. Vậy là anh Kháng cũng chẳng ngoài cuộc, anh không thể yên vui với hạnh phúc nhỏ nhoi của riêng mình mà quên đi bổn phận và trách nhiệm đối với đất nước. Mà những ngày tháng đó thì có ai được yên vui đâu khi ngày ngày là biết bao nhiêu tin tức được đọc trên đài là bao nhiêu chiến sĩ của ta hy sinh, rồi bao nhiêu máy bay địch bị bắn rơi, nên anh đã tạm biệt chị Nhành dù anh chị chỉ có vỏn vẹn hai tháng được bên nhau. Điều làm anh chị vô cùng sung sướng là tuy chỉ có hai tháng nhưng anh chị đã có tin vui, giọt máu của anh đã đậu vào cơ thể chị. Anh lên đường mà cứ nghe lòng rưng rưng vì anh biết mai này con anh chào đời và khôn lớn thì sẽ chẳng có anh bên cạnh. Anh cứ dặn đi dặn lại chị Nhành là cho dù là con trai hay con gái thì cũng đặt tên con là Nguyện, vì anh nguyện sống hết lòng cho quê hương đất nước, anh nguyện mãi mãi chỉ yêu mỗi mình chị và anh nguyện anh sẽ quay về khỏe mạnh bên hai mẹ con.

Chị Nhành tiễn chồng ra đi trong một buổi sáng chỉ mới tờ mờ sáng, khi tiếng gà gáy đâu đó vang lên khắp xóm thì anh Kháng đã sẵn sàng ba lô trên vai. Anh ôm chị rất chặt và rất lâu, anh còn nói chị phải giữ gìn sức khỏe để còn sinh con, và nếu được thì cố chụp hình con gởi cho anh cho anh đỡ nhớ con phần nào.

Vậy là anh Kháng lên đường.

Chị Nhành ở lại tiếp tục công việc làm gốm và quanh quẩn với tổ ấm nhỏ của anh chị. Chị thấy nhớ anh vô kể vì nhìn đâu cũng thấy hình bóng anh, mọi người trong làng cũng rất thương chị vì họ thấu hiểu nỗi nhớ chồng của một phụ nữ vừa mới lập gia đình chỉ tròn hai tháng đã phải xa chồng. Mà thời buổi giặc giã đạn bom suốt ngày đêm thì ai biết được thời gian là bao lâu, ai biết được khi nào đất nước thống nhất vẹn tròn để các anh lại được trở về với gia đình, với những người thân yêu của mình.

Lá thư nào anh Kháng gởi về cũng tràn đầy niềm thương nhớ dành cho vợ dành cho làng xóm, anh còn kể cho chị nghe nhiều chuyện chiến đấu của anh. Mà chị Nhành thấy có nhiều lá thư anh viết sao mà đến cả tháng trời mới xong, chị đoán chắc anh phải viết làm nhiều lần vì trong đó chiến cuộc là gần như liên tục. Rồi chị cũng viết thư cho chồng, ngày chị sinh là bà con trong làng ai cũng mừng rỡ vì bé gái giống anh như đúc. Chị làm theo lời chồng là đặt tên con là Nguyện, và ngày đêm chị cũng nguyện cầu cho anh được chân cứng đá mềm và nước nhà mau thống nhất để anh còn quay về bên chị bên con.

Chị Nhành vẫn còn giữ nguyên những lá thư anh Kháng gởi cho chị, trong đó chị nhớ nhất là anh kể những lần chiến đấu của anh. Đó là một trấn chiến mà cả bên ta và bên địch cứ giằng co từng giờ phút một, vì địch ỷ có súng đạn nhiều hơn và hiện đại hơn, nhưng bên ta lại có một tinh thần chiến đấu kiên cường và bất khuất hơn, kiên trì bám trụ và quyết tâm giữ vững mặt trận đến cùng. Anh Kháng nói các đồng đội của anh đã ngã xuống để có được chiến thắng sau cùng đó, còn anh lại vô cùng may mắn khi anh bị sức bom hất tung lên rất cao và rơi xuống đất bất tỉnh, nhưng lại rất kỳ lạ là anh không hề bị thương ở đâu chỉ bị xây xướt nhẹ ngoài da. Anh nói các bác sĩ và nhiều đồng đội của anh đã ôm anh bật khóc và rồi cười vang sung sướng vì anh vẫn vẹn nguyên. Chị Nhành đọc thư mà cứ thấy tim như muốn rớt ra ngoài theo từng dòng anh viết, rồi khi chị khép lá thư lại là lần nào chị cũng bật khóc.



Bé Nguyện con của anh chị lại rất giống cả ba và mẹ nên rất ngoan và chăm chỉ học tập, bé cũng rất mong ba được quay về để bé còn được ôm ba vào lòng. Chị Nhành nói cho mãi sau này mà bé vẫn còn rất tự hào về ba, còn chị cũng thấy hạnh phúc và yên tâm phần nào khi mỗi ngày được nhìn thấy con gái cứ lớn lên khỏe mạnh và rất ít khi đau ốm vặt, lại còn được thầy cô khen là học giỏi.

Chị Nhành đã may mắn hơn nhiều phụ nữ khác vì gần như lá thư nào của anh Kháng gởi về chị cũng nhận được, và niềm tin cứ vậy được nhân lên, tình yêu và nỗi nhớ cứ vậy được nhân lên cùng với những tháng những ngày mòn mỏi chờ chồng. Ngày nào chị Nhành cũng bật đài lên để nghe tin tức, rồi chị cứ ngóng chồng qua những gì chị nghe được. Mà đã rất nhiều lần trái tim chị như thắt lại khi biết tin chiến trường trong đó đang diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng người ta cũng báo là sắp có một trận quyết tử cuối cùng để dành lại non sông.

Đã gần một năm nay chị Nhành không có bất cứ tin tức nào của chồng, chị không nhận được một lá thư nào của anh, lòng chị cứ như có lửa đốt. Đã mấy lần chị muốn khăn gói vào đó để tìm anh như mấy chị trong làng đã ra đi tìm chồng, nhưng ai cũng ngăn cản. Mọi người nói chị đi rồi ai lo cho con, ai lo cho ba mẹ già ở nhà, rồi còn công việc cứ ngổn ngang ra đó vì chị là thợ chính của làng. Ai cũng động viên chị nên gắng sức chờ đợi vì tất cả là tình hình chung, có người còn nói anh không viết thư về là do anh bận công việc chiến đấu, vì đâu phải lúc nào anh cũng ở yên một chỗ mà chiến trường là cứ hành quân đêm ngày và di chuyển bất cứ lúc nào đó thôi, có người còn nói không có tin là tốt nên khuyên chị bình tĩnh và đừng suy nghĩ lo lắng nhiều. Chị Nhành đã sống trong tình thương và sự đùm bọc của mọi người trong làng như vậy. Chị cũng cố nén xuống những nhớ mong những lo âu không nguôi dành cho chồng ở nơi xa, chị còn có một niềm vui một nguồn động viên rất lớn khác là bé Nguyện. Con bé ngày nào cũng thủ thỉ bên mẹ nhiều chuyện làm chị thấy vơi đi được nỗi nhớ anh, vì cứ nhìn con là chị nhìn thấy anh.

Khi những tin tức rất nóng từ chiến trường, từ những mặt trận trong kia cứ mỗi ngày tràn về cái xóm nhỏ thân yêu của chị, thì chị Nhành càng thêm nôn nóng ngóng đợi anh, linh cảm báo chị biết là ngày chiến thắng đang rất gần và anh chị sắp được gặp nhau. Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.



Chị Nhành đang lui cui bên mấy cái bình sứ, có mấy người của làng bên cạnh qua đặt hàng từ tuần trước mà chị quá bận nên chưa làm xong. Rồi chị thoáng nhìn thấy bóng một người đàn ông đang bước vào và như muốn tiến về chỗ chị đang ngồi, trong một thoáng chị nghĩ là có khách đến mua hay muốn đặt hang. Chị ngẩng lên và cười theo phép lịch sự nhưng chị đã sững sờ đánh rơi cái bình xuống đất vì trước mặt chị là anh, là người chồng chị đã mong chờ từ rất lâu. Rồi chị chưa kịp mừng rỡ hay ôm anh thì đã nghe mọi người xung quanh rần rần đứng lên và ào ào tràn ra khắp con đường làng, ai nấy cùng đều hô to, giải phóng rồi bà con ơi, đất nước được giải phóng rồi, tất cả phải treo cờ lên thôi.

Chị Nhành ngồi lặng bên chồng, anh Kháng đang ôm chặt bé Nguyện và cứ hít hà mùi tóc của đứa con gái bé bỏng, đứa con duy nhất của anh mà khi anh ra đi thì bé chỉ mới có hai tháng trong bụng mẹ. Còn bây giờ bé đã hơn mười tuổi rồi, anh nhìn là nhận ngay ra đó chính là con mình vì bé rất giống anh, còn chị Nhành cứ vừa khóc vừa cười vì anh vẫn khỏe mạnh như xưa lại có phần mập hơn nữa. Và họ đã cùng bên nhau như thế trong một màu đỏ rợp trời của những lá cờ Tổ quốc cứ san sát nhau ở mỗi nhà và hình như nhà nào cũng vang vang tiếng cười nói tiếng rộn ràng của những thanh âm hạnh phúc.

Chị Nhành biết, và cả anh Kháng cũng biết, ngày toàn thắng của cả đất nước cũng là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời anh chị, cuối cùng anh chị cũng đã chờ được nhau. Anh chị thấm thía rằng ngày toàn thắng toàn dân tộc mới là ngày trọng đại nhất ngày rạng ngời nhất của anh chị chứ không phải là ngày cưới.

Tôi viết lại một câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện mà tôi được nghe kể từ rất lâu về cuộc chiến tranh oai hùng của đất nước ta. Tôi nghe và tôi biết, tôi biết và tôi yêu anh chị, anh Kháng và chị Nhành. Và tôi cũng yêu luôn rất nhiều những anh chị khác mà tôi chưa được nghe chưa được biết, vì đã có biết bao những sự hy sinh thầm lặng nhất không thể nói nên lời không thể viết nên lời. Ai có thể biết hết được những hy sinh to lớn vĩ đại mà âm thầm của rất nhiều người và ai biết được những người đã không còn quay về được nữa, đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xa xôi kia. Tôi muốn các anh chị, những người đã không thể quay về nhận của tôi một cái cúi đầu, một lời biết ơn và cả một lời tiếp bước, rằng tôi đang tiếp bước các anh chị hôm nay. Và những ai được tròn đầy hạnh phúc trong ngày toàn thắng cuối cùng của đất nước cũng sẽ chẳng bao giờ quên được những tự hào, những khói lửa ngày nào nơi chiến trận. Tôi biết rất nhiều người đã mang niềm yêu thương ấy từng dành cho những đồng đội của mình lại mỗi ngày tiếp tục đổ xuống với công cuộc làm giàu cho đất nước thân yêu.

Ngày toàn thắng của mấy chục năm về trước, đã có rất nhiều mồ hôi công sức và máu xương của bao người.

Chúng ta, tôi và các bạn, tôi và mọi người, chúng ta sẽ nhớ mãi ngày toàn thắng của đất nước. Nhớ để viết tiếp những ngày toàn thắng khác, nhớ để chính chúng ta sẽ làm nên thật nhiều những ngày toàn thắng nữa, tùy theo sức của mỗi người.

Lưu bút tại: Ume.vn
4.6/5 - 87 (phiếu bầu)

Đăng nhận xét

[facebook]
Blog sử dụng định dạng ảnh .webpAD

Author Name

Liên hệ / Liên kết

Lưu ý: Đây là hộp thư phản hồi đọc giả, mua tên miền và đặt liên kết chéo. Vui lòng không gửi các nội dung không liên quan khác xin cảm ơn!.

Tên/Website *

Email *

Thông báo/Nội dung, mô tả *

Được tạo bởi Blogger.