Khi cơn gió mùa hạ về, thổi bay những tán lá cây rừng, cuốn khắp cánh đồng… Không lâu sau, tiếng sấm cùng những tia sét rạch ngang sáng chói bầu trời, cơn mưa ào ạt kéo tới, trắng xoá bầu trời. Lũ trẻ trú mưa trong mái hiên lại lắp bắp cầu nguyện, một mùa nước lụt sẽ lớn hơn năm trước. Chúng mặc kệ người lớn đang lo đi chống ngập, đang hì hụi đắp những bờ kè để cố thu hoạch những củ khoai sọ, khoai lang còn sót lại.
Sau cơn mưa, tiếng bước chân chạy trên đường khiến Phong giật mình. Phong ngỡ thằng Đông đang chạy đi coi phim cho kịp. Cứ mỗi tối sau khi buông bát, cậu ta chạy thục mạng sang nhà Phong coi phim, bỏ mặc tiếng mẹ nó gọi phía sau, “rửa bát đi con”.
“Nhanh lên mày, ra khơi thôi”. Đông vừa thở vừa nói gấp gáp từng tiếng.
“Tao còn tách nốt chỗ khoai sọ này đã”. Phong chỉ vào đống khoai sọ và nó nhớ tới lời của bố dặn. Nếu không xong, tối nay nó sẽ bị phạt.
“Nhanh lên… không lũ thằng Hùng bắt hết cá của tao.”
Tháng bảy mùa mưa lũ, cá chép ngược dòng lên đồng trên đẻ trứng, chỉ cần lấy vợt hoặc dùng tay cũng có thể dễ dàng bắt được. Nếu có vài con cá chép để bố nó nhắm rượu, bù lại cái tội làm biếng, chắc vụ trao đổi này cũng êm xuôi. Phong ngẫm nghĩ, rồi vụt chạy theo Đông.
“Cho tớ đi theo với.”
Tiếng Lam gọi phía sau.
“Ở nhà, con gái biết bơi đâu mà đi.”
Phong lớn tiếng quát.
“Xí… không biết bơi thì đã có Đông, khỏi cần đến bạn lo lắng nhé”. Vẻ mặt ương bướng của Lam khiến Phong có chút bực bội.
Có khi nào Phong ngăn được Lam đâu. Cả ba đã lớn lên cùng nhau, cùng dạo chơi khắp cánh đồng với nắng chiều và cả bầu trời đầy mây, gió… Thiếu cô ấy những buổi rong chơi, sẽ chẳng có ai nhặt cỏ may dính trên quần cho Phong. Rồi những khi lên rừng, chẳng có ai để hai người bắt nạt, doạ dẫm ma rừng, thú dữ ăn thịt. Và còn ai để đùa nghịch té nước cho đến khi ướt nhẹp mới chịu thôi.
Phong biết điều đó, nhưng nó muốn thử cảm giác thiếu Lam trong những chuyến rong chơi. Cảm giác thiếu một người bạn đi cùng, không biết sẽ như thế nào. Nên Phong thường xuyên ngăn cản Lam, khổ nỗi Đông không hùa theo nó, mà chỉ im lặng như một sự đồng ý.
Cánh đồng mùa này mênh mông nước, nhấp nhô những mỏm đồng trên cao còn sót lại. Bỗng chốc cánh đồng chiêm trũng biến thành một biển nước cho lũ trẻ tha hồ đùa nghịch. Đông lái thuyền điệu nghệ, chẳng khác như cách cậu ta chạy nhảy trên cạn. Cậu ta biết cách rẽ những đợt sóng bằng hai mái chèo đung đưa và cũng biết cách ghì chặt mũi thuyền tới nơi cần đến.
Nhưng biệt tài của Đông không chỉ dừng lại ở đấy, cậu ta có biệt danh là Rái cá. Chẳng ai hơn được Đông ở khoản bắt cá, dù là đi câu, đi mò hay thả lưới… thì cậu ta cũng đều bắt được cá nhiều hơn những người khác. Và mỗi mùa nước lũ, cậu ta biết được hướng của đàn cá sẽ ngược dòng nước chảy ở địa điểm nào.
Chẳng vậy mà chỉ sau ít lâu, chạy qua một vài dòng chảy, chiếc thuyền đã đầy ắp cá. Phong đang ngồi trước mũi thuyền với vẻ mặt mừng rỡ, khi có cớ để trao đổi, thoát được sự cáu giận của bố nó. Còn Lam đang hát líu lo phía sau, cô ấy hát như thể đó là lời muốn nói, những lời tâm sự của đứa trẻ chưa biết thế giới ngoài kia như thế nào.
“Mày lái thuyền lại chỗ kia cho tao”. Phong nhìn Đông và chỉ tay về hướng đám hoa súng.
“Nước trôi lớn lắm. Tao sợ không lái được thuyền tới đó”.
Dù vẻ mặt không hề muốn, nhưng cậu ta vẫn hướng mũi thuyền tới phía đám hoa súng. Có lẽ cậu ta muốn thử thách trình độ lái thuyền của mình, để xem có ngọn nước lớn nào có thể khiến cậu ta chùn bước được…
Phong chới với sau cố gắng tóm lấy mấy ngọn hoa súng và ngã nhào trôi theo dòng nước. Lam hớt hải kêu cứu thật to, còn Đông thì vẻ mặt vẫn lạnh lùng, hướng mũi thuyền trôi theo dòng nước.
“Kêu vừa thôi, khản cổ, để giọng mà hát”.
Ở phía dưới, Phong đang đùa giỡn, thả mình trôi theo dòng nước. Chẳng ai dại gì đi cưỡng lại dòng nước cả, cứ trôi theo dòng nước là cách tốt nhất để vượt qua. Phong bám vào mép thuyền, lựa theo mái trèo của Đông đang bẻ lái vào bờ.
Phong đưa đám hoa súng trước mặt Lam và hét to với cô ấy: “Cầm lấy”.
“Hoa súng tượng trưng cho sự trong trắng của con tim, với những cặp vợ chồng thì đó là sự thể hiện yêu thương”. Đông dáng mặt lạnh lùng, pha chút buồn hiu mà nói đến ý nghĩa của hoa súng. Chẳng hiểu sao, ngoài thích bắt cá, Đông có thể nghiến ngấu bất kỳ thứ gì cậu ta có thể đọc bất kỳ thứ gì và nhớ rất lâu. Nhìn cậu ta giống như triết gia của lũ trẻ, luôn nói những từ ngữ khó để hiểu và người lớn. Phía dưới, Phong ngượng ngùng trước câu nói của Đông.
“Cầm lấy”… Bó lại cho tớ, để tớ tặng bạn Diệp.
Nét mặt của Lam chuyển từ vui mừng sang thất vọng rõ rệt. Cô ấy quay mặt sang chỗ khác, không để ý tới nắm hoa súng trên tay của Phong.
Ở dưới nước, Phong cũng không thể hiểu sao mình lại có thể nói như vậy. Nó thả đôi tay đang nắm mạn thuyền và cũng buông nắm hoa súng vừa hái được.
“Mất bao nhiêu công mới hái được… Muốn vứt là vứt đi được à?”
Đông cáu giận quát lên và với tay nhặt từng bông hoa súng.
“Tặng bạn này”. Cậu ta cẩn thận sắp xếp từng bông hoa và bó lại chúng một cách gọn gàng rồi đưa cho Lam.
Những cơn gió chiều bắt đầu thổi giữa mênh mông nước, mùi tanh nồng của nước mới cuộn theo từng đợt sóng. Lam bứt từng cánh hoa súng thả bay theo từng đợt gió. Cho đến khi còn cánh hoa cuối cùng, cô ấy đã giữ lại.
…
Những mùa nước lũ tháng bảy chở tuổi thơ đi xa mãi về phía sau của thời gian. Ở phía sau ấy, đầy ắp những kỷ niệm thương nhớ, thuần khiết và trong trắng của thời thơ ấu. Có khi kịp nhìn lại, cười mỉm thì tất cả đã chỉ còn trong nỗi nhớ khắc khoải của thời gian.
Chúng ta đã từng, đang hoặc sẽ trải qua sự lạnh lùng, ơ hờ của thời gian. Cho đến khi chúng ta dừng chân ở độ tuổi mười tám. Ở độ tuổi này, chúng ta băn khoăn với việc sẽ bước tiếp như thế nào với ước mơ và đam mê. Mọi thứ vẫn mịt mờ, tăm tối ở phía xa lắm của khoảng không thời gian phía trước.
Cánh đồng chiêm trũng không chỉ đẹp vào mùa mưa lũ, màu xanh ngắt phủ kín cánh đồng vào khoảnh khắc giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ. Thời gian này, lũ trẻ trâu lại thả diều, rồi nằm dài trên bãi cỏ xanh để lắng nghe những tiếng sáo diều vi vu.
Đông nằm dài trên bãi cỏ, ngắm nhìn bầu trời. Cậu ta yêu cánh đồng và bầu trời đã gắn bó với tuổi thơ. Mùa thu với cơn gió heo may, lành lạnh, cậu ta cùng bạn bè đùa nghịch, chơi trốn tìm trên khắp cánh đồng. Mùa đông tới, cái lạnh làm cỏ cây đìu hiu cô quạnh, khi ấy những con ếch trú đông và cậu ta kiếm tìm nó dưới hang khô trong những bờ ruộng. Và cùng bạn bè đốt lửa sưởi ấm, nướng những củ khoai thơm lừng. Mùa xuân, khi mưa phùn kéo dài nhiều tuần, thoạt nhìn thấy ảm đạm, nhưng những cỏ cây bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, mầm xanh mướt khắp cánh đồng.
“Sao mày không nộp hồ sơ thi đại học”. Tiếng thằng Phong nói giận dữ, khiến Đông dứt cơn buồn ngủ thiu thiu vừa tới. Cậu ta vẫn đôi mắt chưa dứt khỏi cánh diều bay xa, im lặng hồi lâu… Thằng Phong thấy cảnh phớt lờ ấy mà cay sống mũi. Trong ba đứa, Đông là thằng học giỏi nhất và khả năng thi đậu đại học cũng là cao nhất. Vậy mà, cậu ta vẫn điềm nhiên như thể chưa có chuyện gì xảy ra.
“Ngày mai hạn cuối rồi nộp hồ sơ rồi đấy.” Tiếng của Lam yếu ớt, như muốn phân trần một lời khuyên nào đó, nhưng cô chỉ có thể nói được như vậy.
Vẫn đôi mắt nhìn xa xăm theo cánh diều, Đông bắt đầu nói bằng cái giọng trầm ngâm, như cách cậu ta hay bắt đầu những chuyện quan trọng.
“Cánh diều sẽ không bay được khi không có gió và con người cũng vậy, chẳng đi được đến đâu khi không có đam mê, ước mơ.”
“Mày biết mày đã mười tám tuổi rồi chứ, ngưỡng tuổi để bước vào đại học, học một cái nghề, rồi kiếm tiền cho gia đình chứ. Mày không còn là đứa trẻ để mãi mãi thả diều ở cánh đồng này được. Giờ là thời khắc quyết định của chính mày, không ai khác, chính mày phải làm điều đó.”
Im lặng.
Đông nhún vai, giọng điệu không hề thay đổi.
“Ai rồi cũng phải trưởng thành, cũng phải kiếm tiền. Tao sẽ theo đam mê, chạy theo giấc mơ của riêng tao. Trong giấc mơ của tao hàng đêm, đã thấy đầm hoang kia sẽ trở thành hồ nuôi cá. Và ở cánh đồng cao phía bên cạnh sẽ là trại chăn nuôi, vườn trái cây…”
Trên bầu trời, cánh diều bay cao hơn khi được Đông thả thêm dây, cũng là để đáp lại sự bất ngờ đang hiện lên trên gương mặt của hai người bạn. Cánh diều bay cao, như tượng trưng sự quyết tâm của Đông, sẽ bay cao mãi tới ước mơ.
“Đi học cũng là để có một nghề nghiệp ổn định… tại sao cứ phải tìm kiếm ở nơi xa xôi mà không phải tại nơi này. Vả lại, gia đình tao chỉ có hai người, mẹ tao sẽ vất vả hơn khi phải nuôi tao ăn học”.
Phong và Lam vẫn chưa rời mắt khỏi cái đầm hoang. Lam nhìn thấy khuôn mặt của hai người bạn tỏ rõ sự căng thẳng, cô ấy liền nói những lời an ủi.
“Ừ, cũng phải… Phải có người ở lại đợi mùa về chứ.”
“Sau này nhà văn Phong có khi nào áp lực, hoặc muốn tìm cảm hứng thì quay về đây. Còn ca sĩ Lam nổi tiếng, về đây quay MV… không thì cứ dẫn gia đình về đây nghỉ hè”. Đông nói như thể cậu ta đã nhìn xuyên thấu thời gian.
“Ca sĩ có bao giờ lấy chồng đâu, vì nghệ thuật mà… phải như vậy khán giả mới thấy được sự hy sinh cao cả.” Mỗi khi cả ba cùng đi chơi, điều thiếu vắng nhất nếu như một ngày Phong ngừng trêu đùa Lam.
“Chúng ta đều đã lớn rồi, sao vẫn chưa bỏ được tính cách tuổi thơ. Mày đến khi nào mới ngừng trêu đùa Lam đấy”. Đông hướng mắt nhìn khuôn mặt đầy khí thế của Phong đang trêu đùa. Khiến cho Phong cảm thấy có điều gì ấy khác lạ.
“Lo gì chứ… nếu năm ba mươi tư tuổi mà tớ chưa lấy chồng, thì Phong lấy tớ nhé.”
Khuôn mặt Đông thoáng chút buồn man mác. Có lẽ, những lần vị triết gia đưa ra nhận xét về mẫu người chồng của Lam đã sai nên cậu ta mới buồn như vậy. Phong nghĩ vậy và không muốn khiến Đông phải buồn, nên cậu ta cáu gắt nên với Lam.
“Lấy bạn về… để cả hai suốt ngày cãi nhau à?”
“Đến khi về già, không còn ai nói chuyện nữa mới đáng sợ. Còn cãi nhau được là còn chung sống được với nhau, bởi vì còn có thể nói chuyện trao đổi, chia sẻ… Như ông bà Sáu kìa, cả ngày im lặng, ai cũng nghĩ gia đình êm ấm. Rồi bất chợt khi hai ông bà gần bảy mươi tuổi, họ lôi nhau ra toà ly dị. Khi ấy, người ta mới ta mới thấy sự đáng sợ của việc im lặng.” Lam nói như một người từng trải.
“Bạn ở miền Nam xa xôi thế, sao biết được ở đây Phong có lăng nhăng không chứ?” Đông im lặng, đến khi này mới lên tiếng.
Lam nhìn nét mặt của Đông, rồi mỉm cười. “Mình nghe dì Ba nói, ở trong Nam người ta thích nghe nhạc lắm. Mà ai cũng nói, muốn phát triển sự nghiệp phải vô đó.”
Vẻ mặt của Đông vẫn còn thoáng chút buồn, cậu ta nhìn sang Phong và nói. “Phong nhận lời đi, để bạn ấy còn lo phát triển sự nghiệp kìa.”
“Ừ… thì nếu mình chưa có vợ. Mình sẽ lấy bạn.” Phong nói ngập ngừng và đầy bẽn lẽn.
“Nhớ đi tìm tớ đấy nhé, nếu như có dịp vô miền Nam”.
Lam đưa cánh hoa súng ép cho Phong. Có lẽ cả ba vẫn còn nhớ như in mùa nước lũ tháng bảy năm ấy. Nét mặt Đông thoáng buồn, có lẽ cậu ta buồn khi chẳng biết thời gian phía trước có ai đợi mình hay không? Có thể nếu có, chắc chỉ có mùa nước lũ… và như vậy cũng đủ làm cậu ta vui.
“Nhớ nhé… Nhớ quay về khi mùa nước lũ tháng bảy đến nhé. Khi mà chúng mình đã ba mươi tư tuổi.”
…
Năm tháng sau.
Ngày chuyến xe sắp rời bến, cả ba lặng thinh nhìn nhau không nói lên lời. Chuyến xe chở hai người đi tìm những ước mơ ở phía trước. Người còn lại sẽ rong ruổi ước mơ trên chính nơi mình sinh ra. Khoảnh khắc trải qua sự chia ly đầu tiên trong đời, khó để từng người diễn tả hết cảm xúc thành lời. Phía trước là khoảng thời gian đều đặn trôi qua, phía trước là bầu trời của mảng ký ức tuổi thơ ở lại.
“Tặng bạn này”. Lam đưa nắm hoa trà trước mặt, cánh tay của cô ấy vẫn hướng về phía của Phong, mặc kệ cái nhìn phớt lờ sang nơi khác.
Hoa trà là sự thể hiện chờ đợi, cũng có nghĩa sẽ nhắn nhủ những lời tỉnh táo khi bước vào đời của những người chập chững học cách trưởng thành. Đông buồn rười rượi khi nhìn thấy Lam cầm nắm hoa trà… còn Phong đang phớt lờ. Đông định lên tiếng nói ý nghĩa của hoa trà, nhưng Phong đã vội bước lên xe.
“Tớ không say xe, bạn cầm lấy đi. Nhớ mùa nước lũ nhé.”
Nhớ mùa nước lũ, như một lời hứa của những đứa trẻ thơ dành cho cánh đồng, dòng sông… và đồi cỏ hoang. Ở nơi này, cánh đồng như có một lời nguyền mà kẻ đi xa luôn hướng về. Dù cho họ có đi cả cuộc đời, nhưng đến cuối cùng đều mong muốn trở về. Đông trôi miên man theo suy nghĩ sẽ được gặp lại hai người bạn vào khoảng thời gian gần nhất.
Nhìn hai người bạn lần lượt lên xe, Đông thấy hụt hẫng… một điều gì đó mất mát mà cậu chưa từng nghĩ đến. Cậu ta đứng đấy và chịu rời đi khi nhớ đến hình ảnh hồ cá và vườn trái cây.
…
Từng tiếng mưa rơi nhanh, xối xả, ào ạt… đập vào mái hiên. Nghe tiếng mưa đã não ruột, nhưng nhìn đôi mắt của ba nó cứ đau đáu nhìn mưa lại càng thấy buồn hơn.
“Không biết khi nào trời tạnh đây… mưa mãi thế này… cá vượt hết ra khỏi hồ thì mất mùa như chơi.”
Ba thằng Hớn cứ lo xa, than hoài không ngớt, bờ đập cao thế, đắp mấy lớp bao tải rồi đá hộc, lũ nào trào qua nổi. Cu Hớn mong mưa, mùa lũ tới là sướng nhất với lũ trẻ quê, ngày mai nước khắp cánh đồng, chúng nó lại chơi trò đuổi bắt, đánh trận trên sông. Dù trong lòng thấp thỏm vui mừng, nhưng Hớn không dám biểu cảm, sợ ba nó mắng.
“Người có còn nhớ mùa đâu… mà mưa cứ hoài không ngớt”.
Má Hớn thở dài, nói vọng từ trong bếp ra. Như thể có đồng minh, Hớn cười hỏi má.
“Người nào… nhớ mùa hả má?”
“Má mày nói đùa ấy mà… người với mùa nào đâu.”
Sau tiếng của ba, Hớn nghe tiếng bát đĩa va chạm mạnh phía trong bếp…
Trời cũng chịu ngớt mưa vào sáng hôm sau.
Hớn cùng lũ bạn làm náo loạn cả khúc sông, những bè tàu chuối hơn cả chiếc thuyền mà chúng hay đùa nghịch. Nó không quên nhìn ba nó đang trên chòi canh cá. Khuôn mặt của ba nhìn xa xăm về phía chúng nó, nhưng đôi mắt như không nhìn thấy gì. Có thể ba nó đang nhìn thời gian, như thường kể về khúc sông này đã gắn bó với ba nó thế nào.
Nhiều lần Hớn thấy ba than trách sông đổi dòng, thay hướng. Nhưng từ bé tới giờ, Hớn đã bao giờ thấy dòng sông thay đổi đâu, có chăng là bên bờ đối diện hồ cá đất lở quá trời. Ở trong đâu đó đôi mắt xa xăm của ba, những lời hờn trách ai đó đã quên lời hứa năm nào. Hớn đoán là người yêu của ba nó, chắc tại nó hay xem phim Hàn quốc quá, nên đôi khi liên tưởng vớ vẩn. Cũng có thể tại nó đã đọc được những bức thư từ rất xa xưa của ba giữ làm kỷ niệm.
Giữa chiều, khi nắng đã ngả một màu vàng rực rỡ, Hớn tung tăng đi tìm măng tre. Mùa này mà kho cá với măng tre thì ngon hết sảy, chỉ nghĩ đến thôi mà nước dãi của nó đã chực chờ tuôn trào.
“Cháu ơi…”
Tiếng người đàn ông lạ khiến Hớn hơi giật mình, nó quay lại đứng nhìn người lạ và không dám bước tới gần.
“Cho chú hỏi, hồ cá kia của nhà ai vậy?”
Người đàn ông chỉ tay về phía hồ cá nhà Hớn.
“Nhà cháu…” Hớn dè chừng trả lời người lạ.
“Bố cháu tên gì?” Người đàn ông tiến lại gần hơn phía Hớn.
Hớn lùi bước, nó cũng nghe mấy chuyện bắt cóc nên có vẻ đề phòng, ngay cả lời nói cũng rụt rè. “Ba cháu… là ba Đông”.
“Trời ơi…cuối cùng cái đầm hoang cũng được cậu ta biến thành hồ cá rồi.” Người đàn ông vẻ mặt mừng rỡ cất lời, rồi ông ta sốt sắng nói tiếp, “Cháu dẫn chú đi gặp ba cháu được không?”
Hớn nhìn người đàn ông một lượt từ đầu xuống chân, rồi khẽ gật đầu. Nó đi phía trước, cố giữ khoảng cách xa, để đề phòng nhỡ người đàn ông có ý định xấu, thì nó cũng đã co giò chạy nhanh.
“Ba ơi… có ai gặp ba này.”
Hớn nhìn thấy ba nó đang lúi húi buộc lại mấy cành cây đã gãy dở do trận mưa đêm qua để lại. Khi ba nó quay lại, Hớn tròn mắt nhìn cảnh tượng hai người đàn ông đứng nhìn nhau hồi lâu, rồi ôm trầm lấy nhau, bịn rịn như muốn khóc. Nó thấy cảnh này ở đâu đó trong phim, nhưng không nhớ nổi tên của bộ phim là gì.
“Mày còn nhớ để tìm về đây hả?”, tiếng ba nó nói như hờn trách.
“Chẳng lẽ quên”.
Tiếng hai người đàn ông cười giòn tan vang cả khúc sông.
Bữa cơm trưa được dọn ra, món ăn chủ yếu là cá ngược dòng do Hớn bắt được. Cứ mỗi mùa nước lũ, Hớn lại theo lũ bạn chạy thuyền xuôi ngược, vừa bắt được cá, lại vừa thoả thích đùa nghịch. Hớn nhìn không rời mắt vào món cá chép kho với măng tre, do chính tay nó thu hoạch. Hớn nhìn để chờ đợi một lời khen nào đấy sẽ dành cho nó.
“Giỏi quá… bắt được cá to hơn ba con bắt hồi nhỏ đấy.” Phong xoa đầu thằng nhỏ mà khen, ở đâu đó hình ảnh của Hớn, cậu ta thấy giống người bạn của mình thuở nhỏ.
“Vậy mà ba con cứ chê con hoài, cứ đem chuyện ngày xưa ra kể. Ba con bắt được những con cá lớn như vầy nè.” Hớn cười đắc chí, hai bàn tay ra hiệu biểu cảm lại con cá mà ba nó hay kể ngày xưa bắt được.
Suốt bữa cơm, Hớn bị cho ra rìa, không ai nói chuyện với nó. Khiến nó không hiểu được, tại sao người lớn lại có nhiều chuyện để nói với nhau. Ba nó và bác Phong vẫn chuyện trò không ngớt, ngay cả khi đã ăn xong. Hớn chỉ biết ngồi nghe và nó lờ mờ nhận ra một vài địa điểm tên cánh đồng trong câu chuyện, nhưng giờ đã biến thành nhà máy, chỗ thì trở thành đất ở, nên Hớn cũng không hứng thú lắm để dõi theo cộc nói chuyện.
Người lớn thường thở dài, những tiếng thở dài não nề mà khuôn mặt chẳng hề biến sắc. Đó có lẽ là nét đặc biệt để phân biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ. Hớn đếm được bảy lần ba nó thở dài, còn bác Phong thì nhiều hơn thế, mười một lần. Có thể bác Phong là người lớn hơn ba nó, nên bác thở dài nhiều hơn.
“Sao mày không dẫn vợ con về đây?”, tiếng ba Hớn cất lên sau khi nhấp ngụm trà.
“Tao vừa ly dị rồi.”
“Tại sao?…”, hai chữ cất lên dài một cách khó hiểu.
Im lặng.
“Đến khi về già, không còn ai nói chuyện nữa mới đáng sợ. Còn cãi nhau được là còn chung sống được với nhau, bởi vì còn có thể trao đổi, chia sẻ… Như ông bà Sáu kìa, cả ngày im lặng, ai cũng nghĩ gia đình êm ấm. Rồi bất chợt khi hai ông bà gần bảy mươi tuổi, họ lôi nhau ra toà ly dị. Khi ấy, người ta mới ta mới thấy sự đáng sợ của việc im lặng. Mày còn nhớ những lời của Lam chứ?”.
Bác Phong nói trầm ngâm với đôi mắt nhìn vô định, sau lần thở dài thứ mười hai.
“Mày vẫn còn nhớ?”
“Chẳng lẽ tao quên được sao!”
Ba Hớn thở dài lần thứ tám, lần này tiếng thở dài hơn tất cả bảy lần trước. Rồi sau tiếng thở dài hồi lâu, ba nó mới nói tiếp.
“Mày đã khi nào đi tìm Lam chưa?”
“Từ ngày gia đình Lam chuyển đi, tao không còn biết tin tức nào cả.”
Hớn thấy ba lặng thinh, bước vào phòng ngủ và trở ra với tập giấy cũ trên tay. Tập giấy này Hớn biết, có một vài lần nó đã đọc, đã viết gần như y nguyên để gửi nhỏ Yến cùng lớp. Kết quả là sau lần ấy, Yến đã mách cô giáo, khiến Hớn chẳng thể nào quên được.
“Tao vẫn còn giữ những bức thư của Lam”.
Hoá ra bấy lâu Hớn đã nhầm, những bức thư ấy không phải của ba. Hớn cứ nghĩ ba lấy biệt danh là Phong như mấy game mà nó hay chơi. Giờ thì nó đã biết chủ nhân của những bức thư ấy là ai và đang đưa mắt nhìn một lượt. Bất giác Hớn nghĩ, người viết văn hay thường rất phong trần và nhìn kỹ, bác Phong cũng có nét giống.
Cả căn nhà im lặng một cách đáng sợ. Bác Phong đang đọc bức thư một cách trầm lặng, khoé mắt của bác hình như đã ướt, có thể bác đang khóc. Nhưng những người khóc phải có nước mắt giàn giụa và nức nở từng tiếng, nhìn bác thì không giống lắm. Còn ba Hớn đang nhìn trầm ngâm theo từng tiếng mưa, vẫn đôi mắt lo lắng, nhưng pha chút gì đó của vẻ mặt hối hận.
Hớn thấy má cứ bồn chồn, như muốn nói ra điều gì đấy. Nhưng sau nhiều lần ngập ngừng, má cũng im lặng. Hớn chẳng hiểu sao người lớn vừa nói cười vui vẻ với nhau và chẳng có lý do gì để giận hờn mà im lặng. Không giống như lũ trẻ con, giận là phải cãi nhau, đánh nhau cho đã.
“Tao xin lỗi”. Cuối cùng ba Hớn cũng lên tiếng.
Im lặng.
“Tao đã từng yêu cô ấy… và tao đã ích kỷ không đưa những bức thư của Lam cho mày”.
Ba Hớn đứng dậy, bước ra ngoài hiên để đáp lại sự ngạc nhiên thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt của bác Phong, cũng là để tránh sự giận dữ đang hiện diện của má.
“Người có lỗi là tao…tao đã không một lần tin cô ấy…và đã không đi tìm.”
Mưa ngoài trời đáp xối xả vào khuôn mặt của hai người đàn ông. Giờ thì Hớn cũng chẳng thể biết được họ có khóc hay là nước mưa khiến khuôn mặt họ ướt đẫm. Nhìn cảnh tượng này, đến lượt Hớn chẳng biết nói gì, chỉ biết im lặng lắng nghe từng tiếng nấc.
Từng tiếng nấc hoà quện với tiếng mưa chìm vào sự tĩnh mịch của đêm.
…
Hôm sau có gia đình lạ tìm tới nhà Hớn. Ông bà ấy với khuôn mặt buồn, ủ rũ mang theo một hũ sành to. Hớn cũng nghe lỏm được câu chuyện mà ông bà ấy kể với ba và bác Phong.
Đã có ai đó chết do tai nạn và cô ấy tên Lam, giống tên của người phụ nữ trong bức thư. Trước khi tắt thở, cô ấy đã nói mong ước được đem tro cốt rải khắp khúc sông vào mùa nước lũ. Hớn đoán cô ấy là người đã viết bức thư gửi bác Phong, bởi vì thấy bác Phong khóc dữ lắm, từng tiếng nấc hiện lên một cách rõ ràng. Ba Hớn thì trầm ngâm, đôi tay run run cầm chén trà hàng giờ.
Buổi chiều ấy, Hớn nhớ như in trên chiếc thuyền xuôi dòng trên sông. Có ba thế hệ với khuôn mặt buồn rầu, xuôi thuyền thả từng nắm tro trong hũ sành khắp dòng sông.
Khi tro trong hũ sành đã hết, bác Phong đốt hai bức thư mà ba Hớn đã giữ bấy lâu. Từng mảnh tro tàn của thời gian cứ thế phảng phất đâu đây. Những cơn gió cũng như hoà quện theo từng nhịp sóng phía dưới sông. Tất cả đều lặng thinh, nghĩ suy về một nơi nào đó xa xăm, xuyên không gian và thời gian.
“Cuối cùng chúng ta cũng không quên lời hứa.” Bác Phong hét to khi thả nắm tro cuối cùng.
“Và mùa vẫn đợi người”
Đăng nhận xét